Đang gửi

Ảnh hưởng của nhiệt độ lên sinh trưởng và phát triển của tôm

Tôm thẻ chân trắng thích hợp với nhiệt độ 23-30oC tối ưu là 28-30oC. Tuy nhiên, tôm nhỏ (1gr) lớn nhanh hơn trong nước ấm (30oC), tôm lớn (12-18gr) lớn nhanh nhất ở nhiệt độ nước 27oC. Khi nhiệt độ thấp hơn 15oC hoặc cao hơn 33oC trong 24 giờ hoặc lâu hơn, tôm sẽ chết. Tôm bị ngạt khi nhiệt độ từ 15-22oC và 30-33oC.

  1. Nhiệt độ ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng thức ăn 

Tôm là động vật biến nhiệt, thân nhiệt thay đổi theo môi trường sống, do vậy trong quá trình sinh trưởng và phát triển, khi gặp điều kiện thời tiết thay đổi (đặc biệt là nhiệt độ tăng lên) sẽ thúc đẩy quá trình trao đổi chất trong cơ thể vật nuôi tăng cao Theo đó, vật nuôi phải tăng cường hô hấp để cung cấp ôxy, chúng sử dụng thức ăn nhiều hơn, quá trình tiêu hóa cũng nhanh hơn. Tuy nhiên, sự tiêu hóa thức ăn nhiều như vậy trong khi lượng men tiêu hóa trong cơ thể tôm lại có hạn nên sẽ khó có thể hấp thụ được chất dinh dưỡng trong thức ăn như ở nhiệt độ bình thường; Đồng nghĩa là sẽ tiêu tốn nhiều thức ăn mà hiệu quả không cao. Bên cạnh đó, lượng thức ăn sau khi tiêu hóa được tôm cá thải ra, gặp nhiệt độ cao quá trình phân hủy sẽ xảy ra nhanh, tiêu tốn nhiều ôxy gây thiếu ôxy cục bộ ở tầng đáy, đồng thời sinh ra nhiều khí độc (H2S) và vi khuẩn gây bệnh. 
Khi nhiệt độ tăng cao vượt quá giới hạn (trên 32oC) sẽ gây stress cho tôm, khiến chúng phải tiêu tốn nhiều năng lượng cho quá trình hô hấp, cơ thể sẽ khó thích nghi được với môi trường mới; Từ đó, dẫn đến sức đề kháng giảm và có nguy cơ bị các vi khuẩn, virut thường trực trong nước tấn công gây bệnh. Mặt khác, khi nhiệt độ hạ thấp (gió mùa, mưa), quá trình trao đổi chất của tôm sẽ giảm, dẫn đến sức ăn cũng giảm theo, kéo dài thời gian lột xác của tôm. Khi nhiệt độ xuống thấp quá ngưỡng giới hạn, một số loài có sức đề kháng kém sẽ bỏ ăn và chết, đặc biệt là tôm giai đoạn còn nhỏ (ương giống, tôm post). Nếu nhiệt độ hạ thấp kéo dài, tôm sẽ có xu hướng di chuyển xuống đáy để tránh rét, nguy cơ tiếp xúc với khí độc và nấm sẽ rất cao. Theo đặc tính của loài, tôm chỉ có thể sử dụng và hấp thụ thức ăn hiệu quả nhất khi sống trong ngưỡng nhiệt độ phù hợp, vì vậy, trong quá trình nuôi người dân cần có những biện pháp thích hợp để mang lại hiệu quả cao. (Trích dẫn bởi ThS Nguyễn Quang Chương; thuysanvietnam.com.vn).

  2. Ảnh hưởng của nhiệt độ đến tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ sống của tôm thẻ chân trắng 

Theo Chalor Limsuwan et al. (2012), khi tiến hành thí nghiệm ở Đại Học Kasetsart,Thái Lan để đánh giá ảnh hưởng nhiệt độ đến tôm thẻ chân trắng với kích cỡ con trung bình 12g được nuôi với độ mặn 25ppt và mật độ 10 con / bể, thức ăn được cho ở mức 3% trọng lượng con chia thành 3 lần 1% / ngày ở nhiệt độ 29° C, trong khi đó ở nhiệt độ 33° C thì thức ăn được cho tự do trong hai tiếng đồng hồ. Kết quả nghiên cứu cho thấy, lượng tiêu thụ thức ăn trung bình ở nhiệt độ 33° C cao hơn 36,5% so với ở nhiệt độ 29° C. Tốc độc tăng trưởng tương tự nhau ở cả hai mức nhiệt độ (29 và 33 oC. Tuy nhiên, ở nhiệt độ 33° C, tỉ lệ sống của tôm thấp hơn do suy giảm chất lượng nước. Hàm lượng nitơ-ammoniac và nitrít-nitơ cao hơn, do đó làm cho nhóm này có hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR) cao nhất do tỷ lệ sống thấp. Ngoài ra, khi thức ăn được hạn chế ở mức 3% trọng lượng con ở nhiệt độ 33 °C, tốc độ tăng trưởng thấp hơn cho thấy tôm cần nhiều thức ăn hơn để đạt được tốc độ tăng trưởng bình thường ở nhiệt độ này. 
Bên cạnh đó, ông cũng nghiên cứu thực hiện tại một trang trại nuôi tôm thâm canh ở Naozhou dao, Tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Sáu ao với diện tích trung bình 0,25 ha / ao được thả với mật độ trung bình 144 con / m² để đánh giá nhiệt độ và nhu cầu thức ăn trong suốt vụ từ tháng 7 đến tháng 9. Các điều chỉnh cho ăn được thực hiện dựa trên đánh giá về lượng thức ăn thừa ở các khay thức ăn và / hoặc kiểm tra màu sắc của đường ruột sử dụng một kỹ thuật được mô tả bởi Tiến sĩ Carlos Chinh. Theo Ching (2012), cho ăn quá mức được xác định khi hơn 10% đường ruột được lấy mẫu cho thấy có màu hơi nâu của thức ăn nhân tạo 1 giờ trước khi cho ăn. Còn nếu nghi là cho ăn thiếu thì lúc đó đường ruột cho thấy hơn 40% màu hơi đen do thức ăn tự nhiên 1 giờ sau khi cho ăn. Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, ở khoảng nhiệt độ trung bình từ 30,5 đến 33,2° C lượng tiêu thụ thức ăn cao hơn 30 % so với bình thường sau 21 đến 40 ngày nuôi. Mặt khác, khi cho ăn ở nhiệt độ cao (30,5-33,2 oC) thì chất lượng nước bị suy giảm. Các lớp vi tảo chết xuất hiện trên bề mặt của ao và các chất hữu cơ gia tăng ở đáy ao là do liều lượng thức ăn cao hơn ở nhiệt độ cao, ở đó thức ăn đã cung cấp thừa nitơ và phốt pho cho ao và đã làm tảo gia tăng. Khi nhiệt độ giảm và liều lượng thức ăn thấp hơn, các vi tảo chết ít xảy ra. Sự quan sát cũng cho thấy rằng, ở nhiệt độ cao hơn, hàm lượng oxy hòa tan giảm nhưng không bao giờ dưới 3,0 mg /L. (Chalor Limsuwan et al., 2012).

  3. Nhiệt độ làm tôm bị đục cơ 

Hiện tượng này xảy ra khi nhấc nhá (sàng, vó) lên khỏi mặt nước để kiểm tra sức ăn của tôm (vào ban ngày). Tôm trong nhá, vó sẽ nhảy lên búng mạnh, gặp nhiệt độ cao, một số con bị cong thân. Đuôi uốn cong chạm đến phần giáp ngực, phần cơ chạy dọc cơ thể sẽ trở nên trắng đục. Khi thả trở lại ao, số lượng tôm cong thân sẽ chết vì không tự duỗi thẳng lại được. Tương tự, khi sử dụng chài tôm kiểm tra lúc nắng nóng, lượng tôm đục cơ và cong thân cũng xảy ra nhiều. Biện pháp để hạn chế hiện tượng này là không sử dụng nhá, vó để kiểm tra tôm trong ao khi thời tiết nắng nóng. 
Hiện tượng tôm cong thân cũng thường xảy ra khi người nuôi tắt tất cả quạt khí rồi sau đó bật quạt chạy trở lại làm tôm bị “giật mình”, nhiều con sẽ nhảy lên mặt nước tạo thành “làn sóng” chạy dọc theo ao. Một số tôm khi nhảy lên mặt nước sẽ bị cong thân khi tiếp xúc không khí và chuyển sang trắng cơ. Hiện tượng này thường xảy ra vào nửa đêm khi tôm đạt kích cỡ 10 g/con trở lên. Do vậy người nuôi không chú ý đến hiện tượng này và đến ngày hôm sau mới phát hiện có tôm chết trong ao. Hiện tượng này thường xảy ra khi thời tiết có nhiệt độ cao và trong ao có tảo giáp phát triển. Mật độ tảo giáp cao làm nước có màu nâu đỏ và tôm yếu đi. Biện pháp hạn chế, người nuôi không nên tắt hết tất cả quạt khí vì bất cứ lý do gì mà nên duy trì hoạt động ít nhất một dàn quạt, kể cả khi cho tôm ăn.

  4. Ứng dụng nhiệt độ trong nuôi trồng thủy sản 

Nhiệt độ nước rất quan trọng trong các ao ương tôm. Nhiệt độ thích hợp nhất là 30 ± 1oC. Ở nhiệt độ này, nauplius sẽ ăn bình thường. Ở nhiệt độ thấp hơn, nauplius sẽ ăn ít hơn và phát triển chậm hơn. Mặt khác, nếu nhiệt độ cao, chẳng hạn như lên đến 33oC thì nauplius sẽ ăn nhiều hơn và tăng trưởng rất nhanh không thường xuyên, tuy thế chúng sẽ yếu đi và nhiệt độ cao hơn cũng thuận lợi cho vi khuẩn Vibrio phát triển, tăng lên nhanh chóng và khó kiểm soát. 

Nguồn: AmBio sưu tầm