Nhóm nghiên cứu trường Đại học Cần Thơ đã bước đầu phân lập được loài vi khuẩn Photobacterium damselae subsp. damselae (PDD) gây bệnh trên tôm thẻ chân trắng trong thời gian gần đây.
Dấu hiệu bệnh lý
Tôm thẻ chân trắng nhiễm vi khuẩn PDD với các biểu hiện lâm sàng như kém ăn, bơi lội không bình thường, lờ đờ, gan tuỵ bị teo, đường ruột trắng, cơ thể mềm nhũn, đặc biệt là màu sắc thân tôm nhợt nhạt. Kết quả điều tra ghi nhận các chủng PDD trong nghiên cứu này có độc lực cao, có khả năng gây chết tôm với tỷ lệ chết đến 90% trong các ao nuôi tôm. Điều này có thể ảnh hưởng rất lớn đến ngành nuôi tôm thẻ chân trắng nếu không có biện pháp kiểm soát phù hợp và kịp thời.
Hình 1. Tôm thẻ chân trắng giai đoạn hậu ấu trùng: (A) Tôm nhiễm vi khuẩn Photobacterium damselae subsp. Damselae (mũi tên); (B) Tôm khoẻ
Hình 2. Tôm thẻ chân trắng (30 ngày tuổi) nhiễm vi khuẩn Photobacterium damselae subsp. Damselae, có dấu hiệu mờ đục cơ
Đặc điểm vi khuẩn PDD
Kết quả phân tích bước đầu ghi nhận vi khuẩn PDD có dạng hình que, gram âm, di động. Khuẩn lạc màu trắng đục có đường kính 1 – 2 mm trên môi trường BHIA (Brain-Heart Infusion Agar), khuẩn lạc có màu xanh trên môi trường TCBS (Thiosulfate Citrate Bile Salts Sucrose)
Hình 3. Khuẩn lạc của vi khuẩn Photobacterium damselae subsp. damselae trên môi trường (A) BHIA và (B) TCBS
Hình 4. Nhuộm gram vi khuẩn Photobacterium damselae subsp. Damselae
Phương pháp chẩn đoán PDD
Kết quả định danh từ 50 mẫu tôm thẻ chân trắng bằng kỹ thuật PCR cho thấy các mẫu dương tính với PDD tại bước sóng 448 bp (Hình 5). Kết quả giải trình tự gen 16S rRNA của vi khuẩn PDD phân lập được khớp trình tự gen 16S rRNA của PDD, được công bố trên ngân hàng gen thông qua phần mềm phân tích BLAST. So sánh độ tương đồng gen 16S rRNA cũng cho thấy các chủng PDD phân lập được trong nghiên cứu có độ tương đồng lên đến 99,93% so với các chủng vi khuẩn PDD đã được công bố trên ngân hàng gen trước đó
Hình 5. Kết quả PCR phát hiện vi khuẩn Photobacterium damselae subsp. Damselae. Ghi chú: Giếng M: thang ADN 100 bp, Giếng (+): đối chứng dương, Giếng (-): đối chứng âm, giếng 1 – 14: mẫu tôm 1 – 14
Một số thông tin nghiên cứu gần đây về vi khuẩn PDD
Theo các kết quả nghiên cứu trước đây, tôm thẻ chân trắng bắt đầu nhiễm vi khuẩn PDD vào năm 2019 tại Trung Quốc, năm 2020 tại Ấn Độ và năm 2024 tại Thái Lan. Vi khuẩn này gây tỷ lệ chết cao và làm thiệt hại nghiêm trọng cho người nuôi tôm (Chuchird et al., 2024; Singaravel et al., 2020; Wang et al., 2020). Tại Ấn Độ, chủng vi khuẩn PDD có thể gây chết 100% số tôm thử nghiệm sau 24 giờ gây nhiễm tại nồng độ 1,3×107 CFU/mL. Tương tự, ở nồng độ 1,3×103 CFU/mL, chủng vi khuẩn này đã gây chết 100% sau 12 ngày cảm nhiễm (Wang et al., 2020). Bên cạnh đó, chủng vi khuẩn PDD phân lập tại Thái Lan ở nồng độ 105 CFU/mL có khả năng gây chết lên đến 90% sau 7 ngày gây nhiễm bằng cách trộn vi khuẩn vào thức ăn và cho ăn thông qua đường ống (Chuchird et al., 2024). Ngoài ra, vi khuẩn PDD còn gây bệnh trên tôm sú (Penaeus monodon) và một số loài cá nước mặn khác như cá tráp (Sparus aurata), cá vược châu Âu (Dicentrarchus labrax), cá chim vây ngắn (Trachinotus ovatus), cá bớp (Rachycentron canadum), cá chim trắng (Pampus argenteus), cua xanh (Scylla paramamosain), cá bơn (Scophthalmus maximus), cá hồi vân (Oncorhynchus mykiss) (Gouife et al., 2022). Mặc dù vi khuẩn PDD được phân lập và công bố gây bệnh với tỷ lệ chết cao ở nhiều quốc gia nhưng vi khuẩn này chưa được công bố xuất hiện trên tôm trước đây tại Việt Nam.
Kết luận
Những kết quả nghiên cứu trên cho thấy sự hiện diện của PDD rất nguy hiểm trong các ao nuôi tôm. Đây là nghiên cứu đầu tiên mà nhóm nghiên cứu phát hiện được về sự xuất hiện của vi khuẩn PDD trên tôm thẻ chân trắng tại Việt Nam, cũng như Đồng bằng sông Cửu Long. Vì vậy, chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu về cơ chế gây bệnh của PDD cũng như thử nghiệm các biện pháp cụ thể để phát hiện và phòng ngừa bệnh kịp thời nhằm hạn chế thiệt hại trong ao nuôi tôm. Khuyến cáo người nuôi tôm nên đưa việc xét nghiệm PDD vào các chỉ tiêu xét nghiệm trên tôm giống cũng như tôm thịt trước và sau khi thả nuôi. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc bảo vệ ngành nuôi tôm trước các mối đe dọa dịch bệnh mới. Kết quả chi tiết về đặc điểm các chủng vi khuẩn này sẽ được cập nhật trong bài đăng tiếp theo. Nhóm nghiên cứu chân thành cảm ơn “Cộng Đồng Nuôi Tôm Bền Vững” đã cung cấp mẫu tôm bệnh cũng như cập nhật thông tin tình hình dịch bệnh trên tôm trong thời gian qua.
__________
Tài liệu tham khảo
Chuchird, N., Chongprachavat, N., Suanploy, W., Kitsanayanyong, L., Phansawat, P., Keetanon, A., Wimanhaemin, P., Rairat, T., 2024. Investigation of pale shrimp disease in Pacific white shrimp (Litopenaeus vannamei) caused by Photobacterium damselae subsp. damselae in low salinity culture conditions. Aquaculture Reports 39, 102416.
Gouife, M., Chen, S., Huang, K., Nawaz, M., Jin, S., Ma, R., Wang, Y., Xue, L., Xie, J., 2022. Photobacterium damselae subsp. damselae in mariculture. Aquaculture International 30(3), 1453-1480.
Singaravel, V., Gopalakrishnan, A., Dewangan, N., Kannan, D., Shettu, N., Martin, G.G., 2020. Photobacterium damselae subsp. damselae associated with bacterial myonecrosis and hepatopancreatic necrosis in broodstock Pacific white leg shrimp, Litopenaeus vannamei (Boone, 1931). Aquaculture International 28, 1593-1608.
Wang, Z., Shi, C., Wang, H., Wan, X., Zhang, Q., Song, X., Li, G., Gong, M., Ye, S., Xie, G., 2020. A novel research on isolation and characterization of Photobacterium damselae subsp. damselae from Pacific white shrimp, Penaeus vannamei, displaying black gill disease cultured in China. Journal of fish diseases 43(5), 551-559.
Trích dẫn nguồn: Người Nuôi Tôm