Bước vào đầu tháng 9, mặc dù thời tiết mưa bão nhiều, nhưng giới sản xuất, kinh doanh tôm vẫn cảm nhận được sức nóng từ sự tăng giá tôm ở hầu hết các kích cỡ, đặc biệt, giá tôm thẻ và tôm sú cỡ lớn có mức tăng mạnh nhất. Khảo sát bảng giá thu mua của các doanh nghiệp từ tuần cuối tháng 8 sang đầu tháng 9 cho thấy, giá tôm thẻ loại 100 con đã tăng lên mức 92.000 đồng/kg, con tôm thẻ cỡ lớn chẳng những tăng khá mạnh mà còn thiếu hụt nghiêm trọng. Ông Võ Văn Phục - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam cho biết: “Như tôi đã nhận định trước đây, sang tháng 8 giá tôm thẻ sẽ tăng trở lại và hiện đang tăng rất mạnh, nhất là tôm thẻ loại lớn. Hiện tôm thẻ loại 35 con/kg đang có giá 160.000 đồng/kg, còn nếu về lớn hơn nữa, giá sẽ còn tăng mạnh hơn”.
Ngay cả các farm nuôi lớn cũng đang hết sức dè dặt trong việc thả nuôi do lo ngại thời tiết cuối năm thất thường và nhất là dịch bệnh vi bào tử trùng đang bùng phát, nên khả năng thiếu hụt nguồn nguyên liệu, đẩy giá tăng cao là rất lớn.
Tôm thẻ cỡ lớn tăng giá mạnh, theo các doanh nghiệp chủ yếu là do vùng nuôi của Ấn Độ bị bệnh phân trắng nên không thể nuôi tôm về cỡ lớn được, gây thiếu hụt nguồn cung ở phân khúc này. Ngoài ra, giá tôm thẻ cỡ lớn được dự báo sẽ còn tăng là do sản lượng tôm nuôi trong nước không nhiều như dự kiến, trong khi từ nay đến cuối năm, nhu cầu thu mua chế biến trả nợ các hợp đồng đã ký kết của các doanh nghiệp lại tăng mạnh. Đây mới chính là điều doanh nghiệp cảm thấy lo lắng nhất, bởi ở vụ tôm năm 2018 phải đến giữa tháng 9, sản lượng tôm mới bắt đầu giảm, nhưng năm nay mới giữa tháng 8, lượng tôm về nhà máy đã bắt đầu giảm mạnh. Trong khi đó, bước vào tháng 9, các doanh nghiệp sẽ tăng tốc mua vào chế biến phục vụ các hợp đồng lớn dịp lễ, tết cuối năm, nên mặt bằng giá tôm nguyên liệu sẽ có xu hướng tăng dần từ nay đến cuối năm.
Theo các doanh nghiệp chế biến tôm xuất khẩu, từ giữa tháng 8 đến nay, lượng tôm mua vào đã giảm từ 10% đến 15% so với thời điểm tháng 7 mà nguyên nhân là do năm ngoái, tháng 7, tháng 8, diện tích thả tôm vẫn còn nhiều, nên bước sang tháng 10, lượng tôm về nhà máy vẫn còn khá. Riêng năm nay, do ảnh hưởng giá tôm xuống thấp, kéo dài, cùng với đó là dự báo thời tiết mưa bão nhiều trong tháng 9, 10 nên diện tích thả nuôi thấp, sản lượng từ nay đến cuối năm chắc chắn sẽ giảm mạnh. Một nguyên nhân khác cũng tác động đến giá tôm trong nước tăng mạnh đó là do một số doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua, chế biến xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc do sản lượng tôm tại TP. Trạm Giang - thủ phủ tôm của Trung Quốc đang thiếu hụt tôm nghiêm trọng, buộc các nhà sản xuất, phân phối phải tăng cường nhập khẩu từ các nước, trong đó có Việt Nam.
Giá tôm nguyên liệu trong nước tăng mạnh nhưng theo các doanh nghiệp, giá xuất khẩu chỉ tăng nhẹ khoảng 50 cent/kg. Trong khi đó, từ nay đến cuối năm, các doanh nghiệp buộc phải trả nợ hợp đồng đã ký kết, trong khi sản lượng tôm giảm sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng tranh mua đẩy giá mua tiếp tục tăng cao, khó khăn sẽ càng lớn hơn cho doanh nghiệp.
Liên quan đến thương chiến Mỹ - Trung mà cụ thể là tỉ giá USD và nhân dân tệ so với đồng Việt Nam đang giảm, theo các doanh nghiệp, đồng nhân dân tệ Trung Quốc mất giá sẽ khiến tôm Việt Nam sẽ khó bán vào đây. Tương tự, nếu đồng USD giảm giá so đồng Việt Nam cũng là một bất lợi cho việc xuất hàng vào Hoa Kỳ, dù mức thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam vào Hoa Kỳ vừa được DOC công bố là 0%. Nguyên nhân chủ yếu là do tôm nguyên liệu trong nước hiện không còn nhiều, giá cao, trong khi giá mua tôm Việt Nam ở thị trường Hoa Kỳ hiện không tốt vì phải cạnh tranh với tôm giá rẻ của Ấn Độ được chào bán tràn lan ở thị trường này.
Với những diễn biến thị trường tôm vừa qua, cùng những dự báo lạc quan về giá tôm từ nay đến cuối năm có thể thấy cơ hội là rất lớn cho người nuôi tôm. Tuy nhiên, liệu người nuôi tôm có nắm bắt được cơ hội này hay không vẫn còn phải chờ, bởi bên cạnh các yếu tố thuận lợi về giá, khả năng tiêu thụ lớn, người nuôi vẫn phải đối mặt với những khó khăn nhất định về thời tiết, dịch bệnh và nhất là nguồn vốn để đầu tư thả nuôi.
Nguồn (Thuysanvietnam)