Đang gửi

Giá tôm tăng những ngày cận tết

Sau thời gian dài giá tôm liên tục đứng ở mức thấp, hiện giá tôm tăng trở lại do nguồn cung khan hiếm. Vì thế, nhiều nông dân phấn khởi với vụ tôm Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.

Được giá, dễ bán

Lũy kế đến nay, diện tích thả nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Long An là 570,1ha (bao gồm diện tích còn lại năm 2019 chuyển sang 482,2ha), trong đó tôm sú 73,6ha, tôm thẻ chân trắng 496,5ha, bằng 8,6% kế hoạch, bằng 84,6% so cùng kỳ. Trong tuần, diện tích thu hoạch 19,4ha với sản lượng 66,1 tấn. Theo đánh giá của các thương lái và người dân nuôi tôm, tôm nuôi vụ tết thường tiêu thụ mạnh, giá cao, dễ bán. Vì dịp tết thường diễn ra các lễ hội, tiệc cưới, liên hoan, trong đó các món ăn chế biến từ tôm được nhiều người ưa thích. Nguồn sản phẩm được tiêu thụ trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận.

Anh Nguyễn Tuấn Khanh, ngụ xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ, thông tin: “Giá tôm vụ tết năm nay khá cao. Tôm thẻ chân trắng cỡ nhỏ, khoảng 100 con/kg có giá dao động từ 95.000-100.000 đồng/kg; còn loại trung bình, cỡ lớn từ 130.000-150.000 đồng/kg. Mức giá này ổn định lâu dài thì nuôi tôm không lo bị lỗ.Chỉ cần đạt sản lượng 2-3 tấn/ao 2.000m2 là có lãi từ 100 triệu đồng trở lên. Hiện tại, tôi còn 1 ao hơn 1.000m2 chuẩn bị thu hoạch, ước tính khoảng trên 1 tấn tôm. Với giá bán 130.000 đồng/kg, tôi có lãi trên 50 triệu đồng. Năm nay, người dân chúng tôi ăn tết khỏe”. Cũng như anh Khanh, anh Châu Thanh Tâm, ngụ cùng địa phương, chia sẻ: “Trong điều kiện khó khăn vì sự cố môi trường nuôi, nhiều vụ thua lỗ, vụ tôm tết năm nay được mùa là nguồn động viên rất lớn, giúp người dân có điều kiện tái sản xuất, bám nghề. Vụ nuôi dịp tết này, bình quân mỗi hộ lời được vài trăm triệu đồng/ha. Hiện gia đình tôi chuẩn bị thu hoạch 1 ao khoảng 0,5ha và cũng tranh thủ thời tiết thuận lợi tập trung cải tạo ao còn lại, qua tết sẽ thả nuôi vụ tiếp theo”.

Tôm được giá, nông dân phấn khởi trong những ngày cận tết

Bên cạnh đó, việc nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao cũng mang lại hiệu quả đáng kể trong những ngày cận tết. Ông Châu Văn Suy (xã Tân Chánh, huyện Cần Đước) cho hay: “Do chi phí đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào nuôi tôm rất lớn, khoảng 1,5 tỉ đồng/ha, nên rất ít người dám đầu tư. Thời gian qua, ngoài 1ha ao nuôi đang thực hiện mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, với năng suất đạt gần 15 tấn/ha/vụ, gia đình tôi còn có 2ha tôm nuôi theo hướng công nghiệp, với năng suất từ 2-2,5 tấn/ha/vụ. Theo tôi, khi nuôi tôm theo hướng công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, tôm dễ chăm sóc, kiểm soát hơn, rủi ro ít hơn, lợi nhuận tăng, nhất là giá tôm thị trường cận tết đang cao. Hiện giá tôm tăng từ 20-30% so với 2 tháng trước.Hy vọng, giá tôm này sẽ duy trì và kéo dài qua Tết Nguyên đán”.

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Đước – Nguyễn Thị Cẩm Vân thông tin: “Những năm gần đây, việc nuôi tôm của nông dân gặp nhiều khó khăn như: Ô nhiễm nguồn nước, dịch bệnh xảy ra thường xuyên, thời tiết diễn biến thất thường,…Cùng với đó, nông dân cũng chưa vệ sinh, xử lý ao, đầm đúng với yêu cầu kỹ thuật, tình trạng lạm dụng các loại thuốc kháng sinh vẫn còn diễn ra phức tạp, chưa thể kiểm soát được. Trước tình hình trên, các ban, ngành chuyên môn phối hợp chính quyền địa phương tổ chức nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn cho người dân về quy trình kỹ thuật, quản lý chất lượng giống, vật tư, thức ăn nuôi tôm, quản lý môi trường,… Đồng thời, khuyến cáo người dân thường xuyên vệ sinh ao, đầm và cẩn trọng trong việc chọn con giống. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc phòng, chống dịch bệnh trên tôm, thực hiện phương châm phòng bệnh là chính, hạn chế sử dụng các loại thuốc kháng sinh. Ngoài ra, khuyến khích người dân thực hiện các mô hình luân canh hoặc nuôi kết hợp với vật nuôi khác nhằm hạn chế dịch bệnh, bảo đảm năng suất và chất lượng”.

Để người dân nuôi hiệu quả

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Đinh Thị Phương Khanh cho biết, để bảo đảm duy trì diện tích và sản lượng tôm trong năm 2020, ngành nông nghiệp sẽ xây dựng khung lịch thời vụ và tổ chức các đợt quan trắc môi trường nước phục vụ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh để thông tin, khuyến cáo kịp thời đến các địa phương; chủ động thực hiện các giải pháp phát triển nuôi tôm nước lợ từ khâu tuyên truyền, chuyển giao khoa học – kỹ thuật, quan trắc môi trường nước, phòng, chống dịch bệnh, thanh, kiểm tra vật tư đầu vào, quản lý chặt chẽ con giống và tổ hợp tác, hợp tác xã,… cho đến việc xây dựng chuỗi liên kết. Mục tiêu đặt ra là phát triển ổn định tôm nước lợ, hạn chế thiệt hại cho tôm nuôi; thường xuyên cập nhật, thử nghiệm và chuyển giao, giới thiệu cho người nuôi những kỹ thuật, mô hình nuôi tiến bộ, hiệu quả; hướng dẫn người nuôi về các giải pháp kỹ thuật, tổ chức sản xuất và theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, khí hậu, dịch bệnh…; tập trung phát triển ngành tôm theo hướng sản xuất sạch, ứng dụng công nghệ cao.

“Mặt khác, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu Chi cục Chăn nuôi – Thú y và Thủy sản phối hợp địa phương phổ biến lịch mùa vụ nuôi tôm; tăng cường thanh tra, kiểm tra cơ sở sản xuất, ươm dưỡng tôm giống, cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn thủy sản, xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm. Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ươm dưỡng giống tôm, giấy xác nhận đăng ký đối tượng thủy sản nuôi chủ lực, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện nuôi trồng thủy sản theo quy định. Thẩm định, chứng nhận các cơ sở nuôi tôm nước lợ đủ điều kiện an toàn thực phẩm được phân công quản lý; đồng thời phối hợp các địa phương trong công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản nuôi; tổ chức lấy mẫu giám sát, khoanh vùng, xử lý dịch bệnh không để lây lan. Đẩy mạnh tuyên truyền cho các hộ nuôi tôm thực hiện “3 không”: Không giấu dịch bệnh, xả nước thải chưa qua xử lý và xả bỏ tôm chết, tôm bệnh ra môi trường; tổ chức kiểm soát hiệu quả các bệnh trên tôm nuôi; tăng cường kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển giống thủy sản; thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc thú y thủy sản và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm…” – bà Khanh nói thêm./.

Trong tuần, giá tôm thương phẩm ổn định so với tuần trước.Cụ thể, tôm thẻ cỡ 60-70 con/kg giá từ 110.000-115.000 đồng/kg; cỡ 100-110 con/kg giá từ 100.000-105.000 đồng/kg. Tôm sú cỡ 40-50 con/kg giá từ 200.000-210.000 đồng/kg; cỡ 70-80 con/kg giá từ 130.000-140.000 đồng/kg.

Nguồn tin: Báo Long An