Đang gửi

Phòng và xử lý phèn trong ao nuôi

(TSVN) – Xử lý phèn luôn là mối quan tâm lo lắng hàng đầu của người nuôi bởi những tác hại mà nó mang lại. Phèn khiến tôm, cá còi cọc, chậm lớn, tỷ lệ sống thấp, gây thiệt hại nghiêm trọng về năng suất cũng như chất lượng sản phẩm thủy sản.

 

Tác hại

Với ao nuôi: Độ phèn trong ao nuôi tôm cao sẽ khó khăn trong việc gây màu nước do tảo phát triển chậm. Ao tôm bị phèn sẽ có pH thấp, ngăn cản sự khuếch tán của Na+ và K+ từ ngoài vào trong ảnh hưởng đến quá trình tạo vỏ của tôm. Phèn nhiều sẽ ảnh hưởng đến sự hoạt hóa các enzyme.

Với tôm nuôi: Ao tôm nhiễm phèn sẽ làm tăng quá trình hô hấp của tôm, mất nhiều năng lượng khiến tôm chậm phát triển. Trong TTCT, khi mà hàm lượng phèn cao sẽ làm giảm độ pH trong nước làm cho tôm khó lột xác. Khi ao tôm bị phèn thì hàm lượng Ca2+ và Mg_2+ sẽ giảm ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình tạo vỏ trên tôm, dẫn đến hiện tượng mềm vỏ.

Tôm chậm phát triển, màu sắc xám đen.

 

Bón vôi là một trong những biện pháp kiểm soát phèn trong ao. Ảnh: ST

Biện pháp phòng

 

Chọn địa điểm xây dựng ao nuôi ở các vùng đất ít bị nhiễm phèn. Nên lót bạt đáy ao và bờ ao để tránh hiện tượng rò rỉ phèn trong ao nuôi.

– Mỗi năm, sau khi thu hoạch, nên kịp thời tháo nước để phơi đáy ao, cho lớp bùn đen tầng đáy ao ôxy hóa chuyển thành màu trắng. Thời gian phơi ao không dưới một tháng. Sau khi phơi, tiến hành ngâm đáy ao, rửa những chất có hại trong ao. Đối với ao nuôi bị nhiễm phèn tiềm tàng trong đất thì không nên phơi ao quá lâu vì các vết nứt lớn sẽ chứa nhiều ôxy sẽ ôxy hóa Pyrit sắt và khi cấp nước vào chất này sẽ được giải phóng tạo nên phèn đỏ rất khó để xử lý.

 

– Xử lý nguồn nước cấp vào thật sạch, nên sử dụng kít kiểm tra môi trường để xem có hàm lượng sắt trong nước cấp không.

 

– Trước khi thả giống khoảng 45 ngày, nên tháo cạn nước; chỗ trũng, có nước, nên dùng TCCA tạt khắp ao, để diệt khuẩn tôm, cá, cua, tạp. Sau khi diệt chết tôm, cá, cua ba ngày, sử dụng vi khuẩn Bacillus nồng độ cao để xử lý, hoạt hóa đáy ao.

 

– Phòng hiện tượng nhiễm lại phèn, nên kết hợp sử dụng phương pháp nâng cao ôxy, sử dụng vôi nung, cung cấp dinh dưỡng, sử dụng vi khuẩn quang hợp (EM). Ngoài ra, trong quá trình cải tạo ao, cần bổ sung canxi, magie, phosphor; đây cũng là một phương pháp tốt. Có thể sử dụng phương pháp nén phèn của người trồng lúa để nén phèn: Dùng canxi, magie, phosphor 5 kg/1.000 m3 , ao đáy đất cát sử dụng 3,5 kg/1.000 m3 . Ao đáy cát sử dụng 2 kg/1.000 m3 .

 

– Khi trời sắp mưa thì cần giảm lượng thức ăn cho ao nuôi, mưa to kéo dài thì cần ngừng cho ăn chờ đến khi ngớt mưa. Để đảm bảo sức đề kháng cho tôm, tránh bị mềm vỏ thì nên trộn men vi sinh, khoáng chất và vitamin vào thức ăn tôm nuôi mỗi ngày. Định kỳ xiphong đáy ao để giảm thải lượng hợp chất hữu cơ dư thừa dưới đáy ao.

Sau mỗi trận mưa, nước mưa có chứa axit và lượng xì phèn trên bờ có thể trôi xuống ao làm giảm pH. Do đó, cần dùng Zeolite để keo tụ chất bẩn, sau đó sử dụng chế phẩm sinh học để khoáng hóa đáy ao, đồng thời dùng vôi dolomite hòa vào nước ngọt 24 giờ; sau đó tạt đều xuống ao lúc 8 – 10 giờ đêm, liều lượng 1,7 kg/100 m^3 nước. Rải vôi nông nghiệp quanh bờ ao trước khi trời mưa; khi mưa to, mực nước ao nuôi lên cao, cần xả bớt nước mặt để tránh giảm độ mặn đột ngột và tràn bờ, vỡ bọng, cống, kết hợp quạt nước để tránh hiện tượng phân tầng nước.

 

Biện pháp xử lý

Bằng bón lân: Khi bón lân đáy ao sẽ giúp khử Fe giải phóng phospho từ đó giúp gây màu nước trong ao tôm dễ dàng hơn, tuy nhiên, tảo độc trong ao sẽ phát triển mạnh gây mất cân bằng, vì thế cần phải xử lý tảo sau khi đã xử lý phèn bằng lân.

 

Bón vôi: Mục đích để nâng pH đáy ao, khử phèn đồng thời tạo hệ đệm trong ao nuôi liều lượng 15 – 20 kg/100 m2 vôi được rải đều xuống đáy và bờ ao. Khi bón vôi đá hoặc vôi nóng cần phải thực hiện trong lúc chiều mát sau đó cấp nước và ao ngay hôm sau, không nên rải vôi và phơi ao trong thời gian quá lâu. Dùng máy đo hoặc quỳ tím để đo pH đáy; nếu pH vẫn thấp thì nên bón thêm vôi, điều chỉnh pH từ 7,5 trở lên.

 

Sử dụng vi sinh: Đây là phương pháp mang lại hiệu quả rất cao. Bằng cách sử dụng các loại vi khuẩn có khả năng phân hủy phèn rải đều vào ao nuôi, sau 3 – 5 ngày vi khuẩn sẽ phân hủy các chất gây phèn làm cho ao nuôi hết phèn. Ưu điểm của phương pháp này là rất tiết kiệm, vì không phải xử lý phèn lại nhiều lần, hiệu quả mang lại rất cao.

 

Sử dụng hóa chất EDTA: EDTA là tên viết tắt của Ethylendiamin Tetraacetic Acid, đây là một loại hóa chất được ứng dụng lâu đời trong NTTS và mang lại những hiệu quả nhất định cho người nuôi. EDTA giúp khử các kim loại nặng trong ao nuôi giúp tôm dễ lột xác. Giảm độ nhờn, váng bọt, làm lắng tụ các cặn bã, chất lơ lửng trong ao nuôi. Giảm độ cứng của nước, ổn định độ kiềm, độ pH trong ao nuôi. Giúp hạ phèn, khử phèn trong ao nuôi, cải thiện chất lượng nước. Liều lượng sử dụng EDTA là 1 kg hòa tan với nước tạt ao sau đó tạt cho 3.000 – 4.000 m3  nước để ngăn phèn ao đất nuôi tôm, đồng thời hạn chế hiện tượng độc tố có ở đáy ao nuôi.

 

Phạm Hải - TSVN