Đang gửi

Sóc Trăng: Trần Đề cần thận trọng trong thả nuôi tôm

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) Trần Hoàng Dũng thông tin, hiện tại trên địa bàn huyện đang trong giai đoạn cải tạo ao nuôi tôm và đã có hơn 1.293ha/4.150ha thả nuôi, trong đó tôm thẻ chân trắng có diện tích 791ha, còn lại là diện tích thả nuôi tôm sú.

Nuôi tôm công nghệ cao ứng dụng khoa học công nghệ 4.0

Trên địa bàn huyện, diện tích tôm nuôi tập trung tại các xã: Trung Bình, Lịch Hội Thượng, Liêu Tú, với nhiều mô hình nuôi tôm, như: lót bạt đáy ao, nuôi cá lấy nước nuôi tôm… Diện tích nuôi tôm công nghệ cao chiếm từ 20% đến 30% diện tích thả nuôi tôm hàng năm. Trong tình hình nắng nóng như hiện nay, đơn vị cũng đã khuyến cáo hộ nuôi thả thăm dò và tuân thủ đúng khung lịch mùa vụ do ngành chuyên môn đưa ra nhằm đảm bảo vụ tôm nuôi thắng lợi.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hiểu nhận định, sắp tới, hạn, mặn gay gắt nên sẽ gây khó khăn về nguồn nước cho nuôi tôm và theo khuyến cáo của Cục Thủy sản, nếu độ mặn lên 20‰ tôm nuôi gặp bất lợi, sẽ phát triển không tốt kèm với đó là ban ngày nắng nóng nhiệt độ cao, ban đêm nhiệt độ thấp ảnh hưởng đến con tôm nuôi.

Do đó, đồng chí Lê Văn Hiểu lưu ý lãnh đạo UBND huyện Trần Đề và ngành liên quan trong công tác chỉ đạo mùa vụ tôm cần hết sức thận trọng, tuyên truyền người nuôi tôm cải tạo ao cho kỹ, khi thấy thời điểm thích hợp thì mới thả nuôi tôm. Đồng thời, tuyên truyền người nuôi tôm áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nuôi tôm và nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao.

Theo đánh giá của các doanh nghiệp thì giá tôm năm 2020 có khả năng tốt hơn so với cùng kỳ, vì vậy địa phương phải đảm bảo vụ nuôi tôm của nông dân thắng lợi về năng suất và bán được giá tốt, không riêng Trần Đề mà tất cả các địa phương có nuôi tôm trên địa bàn tỉnh cũng phải tuân thủ nghiêm lịch thời vụ.

Theo: Báo Sóc Trăng