Đang gửi

Tăng cường quản lý nuôi tôm siêu thâm canh

Loại hình nuôi tôm siêu thâm canh phát triển đã tạo ra hướng đi tích cực, vừa phát huy tiềm năng, lợi thế nuôi thuỷ sản vừa hướng sản xuất đến chuyên môn hoá và nâng cao năng suất. Song, sự phát triển ồ ạt của loại hình này đã đặt ra thách thức lớn trong công tác quản lý về môi trường và an toàn sử dụng điện.

Diện tích nuôi tôm siêu thâm canh đang tăng nhanh, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau có hơn 1.700 hộ nuôi, với hơn 950 ha, năng suất đạt 20-30 tấn/ha/vụ, bình quân mỗi năm nuôi 2 vụ, tỷ lệ thành công 90%. Theo đánh giá, gần đây mô hình nuôi tôm siêu thâm canh phát triển theo cấp số nhân nhưng khâu đầu tư quy trình xử lý nước thải rất thô sơ, không triệt để. Thậm chí, nhiều hộ xả thải trực tiếp ra sông, kênh, rạch, khiến ô nhiễm môi trường nước nghiêm trọng. Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh đang phát triển ồ ạt nhưng không được địa phương quy hoạch vùng nuôi cụ thể, phần lớn nuôi đan xen trong vùng nuôi tôm quảng canh, hộ nào có điều kiện thì nuôi nên rất khó quản lý.

Đoàn công tác của huyện kiểm tra nuôi tôm siêu thâm canh tại xã Ngọc Chánh

Năm 2019, đoàn kiểm tra của huyện kết hợp các xã, thị trấn tổ chức 40 cuộc, kiểm tra hơn 1.400 lượt hộ nuôi siêu thâm canh, nhắc nhở hơn 150 hộ, lập biên bản cam kết 50 trường hợp không đảm bảo về ao xử lý nước thải, hệ thống điện, khắc phục hoàn toàn mới tiếp tục nuôi. Tuy nhiên, thời gian gần đây, vấn đề ô nhiễm môi trường do hộ nuôi tôm xả thải thẳng ra sông, rạch lại gây bức xúc trong Nhân dân, nhất là tình trạng lén lút xả thải ra môi trường.

Kỹ sư Nguyễn Thanh Đăng, nhân viên Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đầm Dơi, cho biết: “Qua kiểm tra cho thấy vẫn còn một số hộ nuôi chưa đảm bảo ao chứa chất thải và an toàn về điện”.

Để chấn chỉnh tình trạng này, mới đây, UBND huyện Đầm Dơi kiện toàn 2 tổ kiểm tra về quy trình, điều kiện nuôi, xả thải ra môi trường và sử dụng điện an toàn trong nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh trên địa bàn huyện. Theo đó, 2 tổ với 50 thành viên có nhiệm vụ phối hợp xây dựng kế hoạch, kiểm tra về quy trình, điều kiện nuôi, xả thải ra môi trường và sử dụng điện an toàn trong nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh trên địa bàn huyện đảm bảo theo quy định.

Trong thực hiện kiểm tra, tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, trường hợp hộ nuôi tôm không đủ điều kiện, lập biên bản quy định thời gian khắc phục, nếu có trường hợp vi phạm xử lý theo quy định. Trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý.

Mới đây, đoàn công tác UBND huyện Đầm Dơi đến kiểm tra mô hình nuôi tôm siêu thâm canh tại xã Ngọc Chánh và Thanh Tùng. Xã Ngọc Chánh có 61 hộ nuôi tôm theo hình thức siêu thâm canh với diện tích 36 ha; Xã Thanh Tùng có 76 hộ nuôi với diện tích 34 ha. Qua kiểm tra, đoàn công tác đã lập biên bản đối với hộ ông Lê Văn Mười, ở ấp Tân Hùng, xã Ngọc Chánh; Nguyễn Tấn Công, Trần Thanh Nguyên, ở ấp Thanh Tùng, xã Thanh Tùng, vi phạm xả nước thải chưa xử lý ra sông rạch, ảnh hưởng môi trường. Qua thực tế kiểm tra cho thấy, phần lớn các hộ nuôi siêu thâm canh chưa có ao xử lý nước thải, nếu có thì không đảm bảo, hệ thống điện phục vụ nuôi tôm chưa đảm bảo an toàn. Thậm chí, có ao nuôi không đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật, có trường hợp hộ dân đầu tư nuôi tôm siêu thâm canh nhưng chưa nắm vững về quy trình kỹ thuật, quy định về xử lý môi trường trong quá trình nuôi.

Chủ tịch UBND xã Tạ An Khương Nam Vương Chí Linh cho biết: “Ban chỉ đạo tiếp tục chỉ đạo tổ kiểm tra, đối với những hộ không đủ điều kiện cho cam kết chuyển đổi mô hình nuôi”.

Kỹ sư Nguyễn Thanh Đăng khuyến cáo: “Thời gian tới, ngành chuyên môn phối hợp với các ngành và UBND các xã, thị trấn tuyên truyền, nhắc nhở những hộ nuôi không đủ điều kiện. Làm như thế nào khắc phục để đảm bảo an toàn. Điều kiện nuôi không đảm bảo, xả nước thải ra môi trường ảnh hưởng rất lớn đối với các hộ nuôi, đặc biệt là hộ nuôi quảng canh”.

Thời gian tới, huyện khuyến khích doanh nghiệp, hộ dân phát triển mô hình nuôi tôm siêu thâm canh nhưng phải tuân thủ tốt các quy định bắt buộc, như nuôi theo quy hoạch, bảo vệ tốt môi trường, đảm bảo an toàn về điện. Các xã, thị trấn cần tăng cường quản lý, kiểm tra nghiêm ngặt việc nuôi tôm siêu thâm canh, không để tái diễn tình trạng các hộ dân nuôi tôm ngoài vùng quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường. Chú trọng tuyên truyền vận động nâng cao ý thức người dân chấp hành tốt chủ trương của tỉnh, huyện về quy hoạch phát triển sản xuất nuôi tôm theo hướng bền vững, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các tổ chức, hộ dân nuôi tôm không đảm bảo các điều kiện quy định.

Nguồn: Việt Linh