Bệnh phân trắng trên tôm thẻ là loại bệnh khá phổ biến. Ảnh minh họa.
Một nhóm các nhà khoa học đã xác định được hai chi vi khuẩn, cùng với Enterocytozoon hepatopenaei (EHP), có thể gây ra hội chứng phân trắng (WFS) trên tôm thẻ chân trắng.
EHP lần đầu tiên được phát hiện trên tôm sú (Penaeus monodon) ở Thái Lan. Loại ký sinh trùng này chủ yếu lây nhiễm vào gan tụy và đường tiêu hóa của tôm. Mặc dù Enterocytozoon hepatopenaei không gây biến đổi bệnh lý nhanh cũng không gây chết cho tôm nhưng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của tôm nuôi và thiệt hại kinh tế nặng nề. Tuy nhiên người nuôi tôm rất khó phân biệt sớm khi tôm mắc bệnh này.
Trong nuôi tôm, khi nhiễm EHP nặng có thể phát hiện trực tiếp dưới kính hiển vi, còn khi nhiễm EHP nhẹ có thể phát hiện bằng qPCR. EHP có thể lây lan theo chiều ngang trong ao nuôi tôm do ăn thịt đồng loại và sống cùng 1 ao.
Hội chứng phân trắng (WFS) dùng để đề cập đến sự hiện diện của các sợi phân trắng trong ao nuôi tôm sú (Penaeus monodon) và tôm thẻ chân trắng (P. vannamei) ở các nước Đông Nam Á.
Hội chứng phân trắng trong ao nuôi tôm được đặc trưng bởi sự xuất hiện của tôm có ruột màu trắng bất thường kết hợp với các sợi phân màu trắng nổi trên bề mặt ao.
Nhiễm bào tử trùng có thể gây ra hiện tượng ruột trắng, vỏ lỏng lẻo, cơ thịt đục ...và trong trường hợp nghiêm trọng là phân trắng với sự xuất hiện của sợi phân trắng nổi trên mặt ao. Ảnh onlinelibrary
Hội chứng phân trắng WFS không phải lúc nào cũng phát triển ở tôm bị nhiễm EHP nặng trong các thử thách có kiểm soát trong phòng thí nghiệm. Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng EHP không phải là nguyên nhân duy nhất gây ra hội chứng phân trắng và sự xuất hiện của nó chủ yếu phụ thuộc vào một quần thể vi sinh vật tiềm ẩn gây bệnh.
EHP-WFS là một loại hội chứng phân trắng trùng phát vi bào tử trùng được đặc trưng bởi số lượng lớn các bào tử Enterocytozoon hepatopenaei (EHP) cùng với một nhóm vi khuẩn không xác định trong gan tụy, ruột giữa và phân tôm.
Trong các ao có sự trùng phát dịch EHP-WFS, một số tôm có dấu hiệu ruột trắng (WG) trong khi những con khác trong cùng ao có đường ruột hoàn toàn bình thường (NG). Các nhà nghiên cứu tin rằng việc so sánh hệ vi sinh vật của tôm WG và tôm NG từ cùng một ao bị trùng phát vi bào tử trùng EHP và hội chứng phân trắng WFS (EHP –WFS) có thể cho thấy sự kết hợp đáng kể của các vi sinh vật gây bệnh.
Để kiểm tra giả thuyết này, Anuphap Prachumwat và cộng sự 2021 đã chọn một ao nuôi tôm thẻ chân trắng có biểu hiện bùng phát EHP-WFS nghiêm trọng và sử dụng sự kết hợp giữa phân tích mô bệnh học và phân tích 16S rRNA của cộng đồng vi khuẩn tôm có dấu hiệu ruột trắng WG và không NG.
Bằng mô học, các tế bào và bào tử của vi bào tử trùng (EHP) đã được xác nhận có trong gan tụy và ruột giữa của tôm WG và NG, nhưng mức độ nghiêm trọng bệnh lý và số lượng bào tử cao hơn ở tôm có dấu hiệu ruột trắng WG. Ngoài ra, hệ vi sinh vật đường ruột ở tôm WG ít đa dạng hơn và có lượng vi khuẩn của các chi Vibrio spp và Propionigenium sp phong phú hơn. Lượng propionigenium trong gan tụy của có dấu hiệu ruột trắng WG cao hơn đáng kể.
Hai chi vi khuẩn Vibrio spp, Propionigenium spp cùng với vi bào tử trùng EHP chiếm ưu thế trong hệ vi sinh vật của gan tụy tôm EHP-WFS. Tôm trong ao có sự trùng phát bệnh EHP-WFS cũng cho thấy hệ vi sinh vật đường ruột giảm.
Kết quả trên cho thấy sự đồng xuất hiện của EHP và các cộng đồng vi khuẩn tiềm ẩn có vai trò như một quần xã vi sinh vật gây ra biểu hiện lâm sàng của hội chứng đốm WFS ở tôm thẻ. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng hai chi vi khuẩn này nên được kiểm tra kết hợp với EHP, như một quần thể bệnh sinh vật tiềm năng gây ra EHP-WFS ở tôm thẻ chân trắng.
Nguồn: Anuphap Prachumwat et al (2021). A potential prokaryotic and microsporidian pathobiome that may cause shrimp white feces syndrome (WFS), biorXiv, 26/05/2021.