Đang gửi

Xuất khẩu tôm vượt 'bão' Covid-19

Trong khi nhiều ngành hàng đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thì ngành tôm xuất khẩu vẫn chưa ảnh hưởng nhiều vì chưa vào chính vụ. Doanh nghiệp ngành hàng này đang nâng cao năng lực cạnh tranh để nắm cơ hội mới, 'vượt bão' dịch bệnh trong thời gian tới.

XK tôm chờ cơ hội mới trong năm 2020.

Tập trung các thị trường lớn
Đón đầu nhu cầu tiêu dùng của các nước châu Âu sẽ nghiêng về các sản phẩm thủy sản đông lạnh, đóng hộp tiện dụng, dễ chế biến tại nhà thay vì thủy sản tươi sống như trước đây, Công ty CP Sao Ta đã tập trung nguồn lực cho các sản phẩm này. Sau khi tiêu thụ 937 tấn tôm thành phẩm, doanh thu 10,7 triệu USD ngay trong tháng hai sang châu Âu, các trại tôm của công ty đang thả giống để chuẩn bị cho vụ mùa sắp tới. Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT công ty chia sẻ, năm 2020, Sao Ta đang nỗ lực cân bằng ba thị trường chính là châu Âu, Nhật Bản và Mỹ và hệ thống khách hàng bền vững đã gắn bó lâu dài.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), quý I-2020 chưa phải là mùa vụ chính mà phải đến tháng 4, tháng 5 trở đi, ngành tôm mới bước vào niên vụ chính. Ngoài ra, khi dịch bùng phát tại Trung Quốc đã khiến nhiều thị trường lớn giảm nhập hàng hóa từ Trung Quốc nên cũng có thể coi là cơ hội cho tôm Việt tận dụng để tăng XK.

Đáng chú ý, tôm Việt đang đứng trước cơ hội ở hàng loạt các thị trường chính như Mỹ, EU. Cụ thể, thuế suất chống bán phá giá tại thị trường Mỹ đã về 0%, giúp tạo thêm động lực cho các DN XK tôm Việt Nam sang Mỹ. Hiện Mỹ đứng thứ hai về nhập khẩu tôm Việt Nam, chiếm tỷ trọng 19,4%.

EU là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 20,5% trong tổng giá trị XK tôm của Việt Nam. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) dự kiến có hiệu lực năm 2020 có thể tạo kỳ vọng cho XK tôm Việt Nam sang thị trường này trong năm 2020. Theo EVFTA, thuế nhập khẩu hầu hết tôm nguyên liệu (tươi, đông lạnh, ướp lạnh) NK vào EU sẽ được giảm từ mức thuế cơ bản 12 - 20% xuống 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực, thuế nhập khẩu tôm chế biến sẽ về 0% sau bảy năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực.

Nâng cao năng lực cạnh tranh
Bên cạnh thuận lợi, phân tích của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cũng lưu ý, trong bối cảnh các nước gia tăng diện tích nuôi tôm, ngành tôm Việt Nam sẽ tiếp tục phải cạnh tranh gay gắt trên thị trường thế giới trong thời gian tới, giá tôm khó có thể phục hồi mạnh. Bên cạnh đó, các nước nhập khẩu ngày càng thắt chặt các yêu cầu về chất lượng và vấn đề an toàn thực phẩm cũng sẽ tác động đến XK thủy sản nói chung của Việt Nam và XK tôm nói riêng. Chưa kể, điểm nghẽn lớn nhất ngành tôm Việt lâu nay vẫn là sản xuất nhỏ lẻ, không truy xuất được nguồn gốc, dẫn tới không có chứng nhận quốc tế. Dịch Covid-19 sẽ khiến nhu cầu sản phẩm thay đổi, đòi hỏi DN nhanh chóng nắm bắt.

Cụ thể, cùng với hàng rào thuế quan bị dỡ xuống, EU đã dựng lên hàng rào phi thuế khi đưa ra quy định mới về việc siết chặt chất Ethoxyquin, chất chống oxy hóa giúp bảo quản sản phẩm thức ăn thủy sản. Theo đó, từ ngày 31-3-2020, Ethoxyquin sẽ không được sử dụng trong tất cả các loại thức ăn thủy sản. Các DN thủy sản của Việt Nam cần lưu ý cập nhật và đáp ứng quy định này để XK tôm vào EU không bị trở ngại trong thời gian tới.

Để khắc phục điểm yếu về truy xuất nguồn gốc, ông Trương Đình Hòe cho rằng người nông dân cần phải liên tục trao đổi với đầu mối thu mua, cũng như với các DN chế biến XK nhằm nắm bắt nhu cầu, chất lượng; cân nhắc tài chính để xem xét nuôi trồng như thế nào cho hiệu quả. Các DN cũng cần tăng thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao công nghệ sản xuất và chất lượng sản phẩm, tham gia chuỗi cung ứng khu vực… để tận dụng cơ hội từ EVFTA.

Nhận thức rõ ràng cơ hội, cũng như sự cấp thiết của việc phải đáp ứng các yêu cầu trong tình hình mới để tận dụng cơ hội trong dịch bệnh, DN ngành tôm đang nỗ lực nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh. Ông Hồ Quốc Lực chia sẻ, Công ty CP Thực phẩm Sao Ta đang nỗ lực áp dụng các thành tựu từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm tăng năng suất, khả năng quản trị và kiểm soát, tối đa hóa lợi ích và duy trì XK bền vững.

“Các DN tôm của Việt Nam hiện ở TOP của thế giới, nên nếu chất lượng tôm của Việt Nam tốt thì vấn đề tiêu thụ không phải là quá lớn, dư địa để tăng trưởng là hoàn toàn có thể thực hiện được ở mức độ cho phép. Để tận dụng các cơ hội, nâng cao năng lực cạnh tranh tốt, các DN phải có chiến lược kinh doanh bài bản, lấy phát triển bền vững làm mục tiêu hàng đầu; đồng thời coi trọng chọn lựa tôm nguyên liệu sạch, có thể truy xuất nguồn gốc và chú trọng xây dựng thương hiệu... Đây cũng là đường hướng mà Sao Ta đang kiên định thực hiện”, ông Lực cho hay.

Tập đoàn Việt Úc cũng đang có chính sách hỗ trợ tôm giống cho nông dân cũng như có khuyến cáo người nuôi nuôi tôm sạch, tôm truy xuất nguồn gốc để XK thuận lợi sang châu Âu, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta đã ký kết EVFTA.

Mục tiêu XK thủy sản năm 2020 là 10 tỷ USD, trong đó XK tôm vào khoảng 4 - 4,2 tỷ USD.

Hà Anh - Nguồn Baomoi.com